Thứ Sáu, 22 tháng 1, 2010

Thế nào là học căn cơ ?

Chào các bạn,

Khi bạn có thành tích học tập cao, người ta hay khen là học giỏi. Nhưng nếu người ta khen bạn "học có căn cơ" nghĩa là họ tin tưởng bạn sẽ luôn tiến bộ vì có phương pháp học đúng. Vậy "học có căn cơ" là thế nào? Qua đây mình sẽ trình bày những suy nghĩ, thích thú mà mình nghiệm ra từ lời dạy của Tôn Sư.

Nếu được hỏi "học có căn cơ" là gì, mình nghĩ sẽ có nhiều người trả lời: "đó là học gốc rễ của vấn đề", "là nắm vững nguyên lý", "là có kế hoạch học tập hợp lý", vân vân... Mình không phản đối vì một vấn đề có nhiều góc nhìn. Tuy nhiên việc mô tả nó là gì không quan trọng, bởi chỉ khi bắt tay vào làm thì sẽ cảm nhận được nó, làm được sẽ thấy được nhiều cách nhìn về nó. Điều quan trọng là làm thế nào, tức là cần có một cách tiếp cận hữu hiệu. Hồi xưa mình học tiếng Nga luôn được điểm khá giỏi, nhờ nắm vững những nội dung cơ sở như cú pháp, biến đổi cách, ... nhưng bây giờ chẳng nhớ gì cả, chỉ nhớ thuộc lòng một câu đầu tiên. Như vậy đâu thể gọi là học có căn cơ, các bạn đồng ý không?

Hôm trước trong giờ học, Tôn Sư dạy học có căn cơ là phải biết bảo vệ thành quả lao động: khi đã đạt được một nền rồi phải kiên quyết giữ làm cơ sở cho nền thứ hai và cứ như thế đi lên. Nghe đơn giản, quen thuộc vậy đó nhưng là chân lý của việc học.

Khi học ai cũng nghĩ phải tìm bài bản cho thật hay, thật căn cơ mà hay quên đi căn cơ chính là ở bản thân mình. Nội dung bài bản giúp tiết kiệm thời gian, công sức nhưng học không nhớ, không đem được vào thân thì cũng bằng không. Nội dung mộc mạc nhưng học cái nào chắc cái đó thì từ từ sẽ rõ thông và tiến bộ mãi. Mấu chốt chính là bảo vệ được thành quả lao động của mình. Ông bà ta có câu "trăm hay không bằng tay quen" chính là ý này. Rõ ràng nếu học câu thứ hai, thứ ba, ... tiếng Nga mà mình vẫn thuộc lòng như câu đầu cho đến giờ thì mình đã trôi chảy tiếng Nga rồi. Không cần phải chăm chăm vào cú pháp, biến đổi cách, ... vì chúng đều nằm trong các câu đó chứ ở đâu xa. Một khi đã thuộc lòng thì tự nhiên rõ ngữ điệu, rõ ngữ nghĩa, rõ cú pháp, nhuần nhuyễn biến đổi cách thôi!

Các sĩ tử ngày xưa chỉ lo việc dùi mài kinh sử nên họ nhất tâm trong việc học, học đâu nhớ đó. Còn ngày nay chúng ta bị chi phối bởi nhiều thứ, bị phân tâm do học nhiều cái chẳng dính dáng đến nhau, chưa kể phải lo những cái như yêu đương, ăn chơi nên học nay mai quên, do vậy phải nỗ lực hơn nữa so với người xưa. Học chỉ nhớ lâu khi chạm được vào bản thân, tức đi vào thân xác, tâm tư, tình cảm thì mới tồn tại ở đó được. Không vào đó được mà chỉ dùng memory để gạo bài thì sớm muộn cũng bay hơi khi full thôi, Tôn Sư từng nói "cái trí coi vậy chứ nó phản bội mình ghê lắm". Thành quả lao động chỉ giữ được khi đem nó vào bản thân. Có phải những kỉ niệm sâu sắc, những câu hát làm rung cảm, những bài học đòn roi, những ước mơ ấp ủ sẽ không bao giờ quên đúng không?

Văn hóa Phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng coi trọng đạo lý Lập thân, bắt đầu từ bản thân mình sau đó đồng cảm ra các mối quan hệ lớn hơn, từ tư duy mộc mạc trải qua lao động với bao thử thách, thăng trầm rồi nâng thành minh triết. Họ không lý thuyết suông mà "làm đến 9 để nói được 1", lời nói tuy đơn giản nhưng được chứng minh trong suốt cả ngàn năm, áp dụng trước hết là cho bản thân, nhưng vẫn đúng với mọi quan hệ xã hội, mọi thời đại. Bởi vậy không lạ nếu thấy một câu nói hay cử chỉ nào của người xưa đều chứa hàm ý.

Nhàn trung kiểm điểm bình sinh sự
Tỉnh thức tư lương nhật sở vi
Thường bả nhất tâm hành chánh đạo
Tự nhiên thiên địa bất tương khuy


Đây là bài dạy về lối học căn cơ, làm sao để đưa cái học vào thân. Mình thấy bài này là điển hình của Phương Đông, thật sự diễn ra thì khá là ngây ngô, bởi vậy Tây đọc làm sao hiểu thâm ý, mình Gút hai câu đầu thử nhé:

Khi nhàn xem lại điều tạo tác
Lúc tĩnh nghĩ tường việc mỗi ngày

(vietbao.com)

Câu thứ nhất: không phải lúc rãnh rỗi mới xem lại việc đã làm mà là luôn tịnh tâm để kiểm điểm lại những việc đã làm. Kiểm điểm để nhận ra mình làm được gì, sai trái, thiếu sót chỗ nào, gây hậu quả ra sao. Từ đó hạn chế mặt tiêu cực, phát huy mặt tích cực, tìm tòi, học hỏi những cách làm tốt hơn. Mỗi ngày một tiến bộ nhỏ thì chẳng mấy chốc sẽ thành tựu. Quá trình tìm tòi, chạm mặt với thất bại, hạn chế của bản thân mới chạm vào thân để khắc ghi thành quả lao động. Chữ "nhàn" nghĩa là rãnh rang, tức là tịnh.

Câu thứ hai: không phải lúc tỉnh (chưa ngủ?!) mới tường việc mỗi ngày mà là luôn ý thức việc mình đang làm. Hành động theo quán tính, không ý thức giá trị của việc mình làm sẽ chẳng thể đi vào thân.
Yếu tố then chốt là sự quyết tâm, kiên trì thể hiện ở câu thứ ba. Chánh đạo ngày nay cần hiểu là định hướng đúng đắn mình đã chọn, chứ không phải là "trừ gian diệt bạo", blah blah đâu! Việc học là cả một quá trình rèn luyện, hiểu nhưng phải làm được và làm mãi.

Câu thứ tư là khẳng định thành quả, làm căn cơ như trên thì chẳng có gì suy suyển được sở học của mình.

Hôm trước mình có đọc bài báo phản ảnh tạo sao bây giờ các bài học đạo đức kém tác dụng với học sinh. Một loạt các biện pháp được đưa ra, nhưng mình có cảm giác họ đang cố vá một chiếc áo mục rách. Mình nghĩ cái chính là học sinh đâu thấy được linh hồn, sự thiêng liêng và sinh lực sống của những bài học ấy nên không cách nào "thuộc" được. Ví dụ khi học lòng kính trọng thầy cô, họ đâu có trân trọng bản thân để tưởng nhớ đến nghĩa vụ cao cả của người thầy, nếu như cha mẹ cho họ thể xác thì người thầy trao tặng họ tâm hồn. Họ chưa qua rèn luyện bản thân gian nan thế nào để biết trân trọng những gì mình đang có, biết nhớ ơn người trao nó cho mình. Ngồi một chỗ nói hay đến cỡ nào, chê bai ai ra sao nhưng hãy thử xuống một bộ tấn sẽ nhận ra mình là ai.

Bởi vậy ngày nay người ta hay trọng văn khinh võ nhưng không nhận ra rằng phải vào võ (hay nói rộng ra là lao động), tức chạm bản thể thì mới hiểu được nhân văn. Tôn Sư dạy đừng bao giờ đứng trên bờ mô tả dòng sông mà hãy nhảy vào nó, cảm nhận được cái lạnh, sự chơi vơi khi phải chống chọi với nó, sự nhỏ bé, yếu đuối của mình trước nó là nhận ra sự thật của dòng sông rồi đó.

1 nhận xét: